Ở tuổi trên 80 nhưng bà Trúc nhưng trên nét mặt vẫn như còn lưu giữ vẻ đẹp của một thời con gái sôi nổi, nhiệt huyết năm nào. Ông xóm trưởng cho biết, năm 1994 Ban liên lạc dân công tỉnh đã gửi thông báo nhờ Thị trấn Đô Lương tìm mãi mới phát hiện ra bà đang cùng gia đình ở xã Giang Sơn. Bà cảm động lắm.
Bà Thái Thị Trúc – Người nữ công xuất sắc Điện Biên năm xưa nay đã ở tuổi 80. |
Năm 1949, vừa bước vào tuổi 17 bà trốn nhà xung phong vào bộ đội và được phân công làm hộ lý ở một trạm xá của Quân khu Bốn. 3 năm sau, Thái Thị Trúc được cấp trên cho về địa phương sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi cha mẹ đang tìm người gả chồng cho cô con gái ương bướng này thì vào khoảng cuối năm 1953 xã huy động dân công hỏa tuyến. Thế là cô bộ đội vừa ra quân chưa tròn năm lại ghi tên xung phong. Đi dân công, Trúc xin phép cha mẹ cho mang theo cả chiếc xe đạp nhà để thồ hàng theo lời kêu gọi của cấp trên. Đó là cả một sự cống hiến không nhỏ bởi hồi đó, xe đạp hồi đó là cả một gia tài lớn. Bà Trúc cười, có lẽ giá trị còn hơn cả ô tô bây giờ.
Vào dân công, cô gái trẻ được phiên vào đội xe thồ của đoàn dân công huyện Anh Sơn (lúc đó còn bao gồm cả Đô Lương) theo đoàn dân công Nghệ An vào Chu Lễ (Hương Khê, Hà Tĩnh) bám sát bộ đội lên Thà Khẹt, Khăm Muộn phục vụ chiến dịch Trung Lào. Với sự giúp đỡ của các anh trong tổ, chiếc xe đạp nữ của bà được gá thêm vài “phụ kiện” để chở gạo, thuốc men ra chiến trường. Đồng thời lốp xe cũng được “gia cố” thêm dây cao su để tăng độ bền. Những ngày đầu xe bà chỉ thồ được khoảng 60 kg, rồi 70, 80 kg. Càng về sau càng có kinh nghiệm, nhiều chuyến bà chở tới 140 kg. Một anh dân công còn có sáng kiến lắp càng phụ bằng sắt, nên cánh đàn ông có thể chở trên 200 kg, người cao nhất chở tới 240 kg. Dân công hoan hô rầm rầm.
Bà Thái Thị Trúc đang kể chuyện đẩy xe thồ hàng phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ. |
Nhắc đến đây, bà Trúc lấy mấy củ lạc rang bày ra giữa chiếu làm “mô hình” rồi bà làm các động tác khi đẩy xe thồ đầy hàng lên dóc thì tay, chân, lưng phải như thế nào; xuống dóc thì toàn thân phải ra làm sao, rồi dựng xe nghỉ…Bà nhớ cứ vanh vách cứ như là chuyện hôm qua hôm kia. Khổ nhất là gặp phải những cơn mưa rừng mới khủng khiếp với vắt, với đường trơn, lầy. Đó là chưa nói đến những đợi rét thấu da thấu thịt. Quần áo thì chỉ có 2 bộ, nhiều lần bà phải “giặt khô” nghĩa là dùng tay cầm hai vạt áo (quần) xát mạnh vào nhau hoặc đập vào thân cây để sach bụi rồi … mặc.
Vất vả, gian khổ nhưng vui. dân công hò động viên nhau “con chim nhảy nhót trên cành- dân công hò hát cho quên đường dài”. Còn gặp bộ đội thì vui hết nói “Khi mô anh lấy đồn Tây/anh đánh hết giặc thì về với em” cứ râm ran cả khu rừng.
Đầu năm 1951, chiến dịch Trung Lào thắng lợi. Khóa dân công cũng hết, nhưng nghe theo lời kêu gọi của cấp trên, Thái Thị Trúc cùng nhiều người xung phong ở lại. Và, cứ thế bà lại theo đoàn dân công Nghệ An thồ hàng phục vụ các chiến dịch quân sự ở Bình Trị Thiên cho đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Tổng kết chiến dịch, bà được bầu là “Chiến sĩ thi đua” của Đoàn dân công Nghệ An.