Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và Lễ hội Quả Sơn

Hàng năm vào ngày 19 và 20 tháng giêng Âm Lịch, nhân dân Đô Lương và nhân dân Bạch Ngọc tưng bừng tổ chức lễ hội đền Quả Sơn nhằm bày tỏ lòng biết ơn và tri ân đối với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Toàn cảnh lễ hội đền Quả Sơn năm 2012


Ngay trên mảnh đất Bạch Ngọc cách đây 955 năm Ngài đã quy hoá và hiển thánh là minh chứng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khắc ghi công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời là dịp để mọi người thực hiện thoả nguyện nhu cầu tâm linh, góp phần  giáo dục truyền thống, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng cho sự phát triển trong hiện tại và tương lai.

Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của vua Lý Công Uẩn (Còn gọi là vua Lý Thai Tông). Ông vốn là người thông minh hiếu học, đức trọng tài cao, yêu nước thương dân sâu sắc. Năm 1039 ông được nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế tại vùng đất Nghệ An với tước hiệu Uy Minh Thái Tử. Tính nghiêm cẩn và liêm trực, không tơ hào của dân nên ông được nhân dân Hoan Châu mến mộ. Năm 1041 ông được bổ nhiệm làm Tri Châu Nghệ An với  hiệu Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Đây là điểm mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An, nhất là khi tỉnh Nghệ An đã quyết định lấy năm 1041 là năm thành lập tỉnh. Năm 1044, vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước hầu lên tước Vương thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông thành Tiết Việt (Tứ là có quyền thay mặt nhà vua, được vua tin cậy và uỷ thác quyền định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An).


Với trọng trách được giao, đứng đầu và trị nhậm Nghệ An, Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế, dùng uy để chế ngự, dùng ân để vỗ yên, dùng chính sách khoan giản và an lạc, tức là khoan dung, giản dị, gần gũi nhân dân, minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân no ấm yên vui hạnh phúc làm gốc của việc cai trị.

Để phát triển kinh tế, Ngài cho chiêu dụ dân lưu tán từ các vùng đất khác về khai khẩn đất hoang, lập nhiều làng ấp mới. Tiếp nhận tù binh chiến tranh để lập nhiều làng ấp ở vùng Tương Dương, Con Cuông để họ được sinh sống bình thường. Ngài đã tiến hành hàng loạt các biện pháp khuyến nông như dạy cho dân nghèo trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển nhiều ngành nghề thủ công: cho xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi, khai thông luồng lạch, đào sông để phát triển đường thuỷ, mở nhiều đường bộ giao thương với các vùng. Tương truyền Ngài đã cho mở đường thượng đạo sang biên giới Việt- Lào (tức đường 7 ngày nay); Mở đường thượng đạo nối từ Đô Lương ra tới Thăng Long và có rất nhiều đoạn trường với đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh chống Mỹ. Ngài còn cho phát triển các ngành khai mỏ, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền…Nhiều làng nghề ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay có từ thời Lý Nhật Quang đã kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế với quốc phòng bằng việc thời bình thì sản xuất nông cụ, thời chiến thì sản xuất vũ khí.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang còn chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, văn hoá, Ngài cho mở nhiều trường học, xây dựng nhiều đề chùa. Dưới thời Lý Nhật Quang làm tri châu tại Nghệ An đã có nhiều người đỗ đạt khoa bảng, trong đó có 4 Trạng Nguyên, 3 Thám Hoa, 2 Hoàng Giáp, 5 Tiến Sỹ, 4 Phó Bảng. Tại xã Nhân Bồi hiện còn dấu tích của những nơi diễn trò hát xướng; nhiều câu ví dặm lưu truyền đến ngày nay được cho là có từ những gánh hát dưới thời Lý Nhật Quang. Những câu ví đó đưa, phường vải đã cho thấy sự sôi động của các hoạt động kinh tếm, văn hoá tại Nghệ An thời bấy giờ.

Muốn ăn khoa sọ chấm đường

Xuống đây mà ngược đò lường cùng anh

Đò lường bến nước trong xanh

Gạo ngon, lụa tốt bến thành ngược xuôi

Hoặc:

Đô Lương dệt gấm, thêu hoa

Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa ba đời…

Về quân sự, Ngài cho xây dựng đội quân Nghiêm Thắng theo hướng “Ngu binh ư nông” tức là: Lúc chiến tranh thì tham gia chiến đấu, bảo vệ bờ cõi, lúc hoà bình thì bảo đảm trật an ninh, lao động sản xuất; xây dựng căn cứ thuỷ quân ở Lạch Cờn-Quỳnh Lưu canh giữ một vùng biển rộng lớn, ngăn chặn các cuộc xâm lấn của quân Chiêm thành. Bên cạnh đội quân chủ lực, ông còn xây dựng các đội dân binh để bảo vệ trật tư trị an ở cơ sở làng xã.

Dưới thời Lý Nhật Quang, triều đình không phải đưa quân trung ương vào đồn trú mà lực lượng tại chỗ đủ sức đảm bảo xây dựng Nghệ An thành “Thành đồng vách sắt”. Có thể nói, suốt 16 năm tri nhậm ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ mảnh đất phên dậu, một vùng biên viễn được xếp vào diện “Trại” trở thành một trọng trấn, thành căn cứ then chốt, một pháo đài kiên cố về cả quân sự, kinh tế và chỗ dựa lòng người không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều Trần, Lê sau này.

Khi được cử làm tri châu Nghệ An, Lý Nhật Quang đã quyết định chọn Bạch Đường làm phủ lỵ. Theo sách “Tên làng xã Việt Nam” đầu thế kỷ 19 thì phủ Bạch Đường thời Lý gồm các thôn Nhan Trung, Phúc An, Nhân Bồi, Miêu Đường; đời Ngô thuộc quận Cửu Đức, thời tiền Lê thuộc đất Hoan Đường. Địa danh Bạch Đường chính thức đi vào chính sử, đi vào huyền thoại, đi vào dân ca, trở thành “linh địa” của xứ Nghệ kể từ năm 1044 khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang chọn mảnh đất này xây dựng thành trung tâm hành chính, kinh tế và quân sự phía nam của vùng biên viễn Đại Việt. Đến cuôi thế kỷ 19, để tránh tên hủy của vua Đồng Khánh, Bạch Đường được đổi tên thành xã Bạch Ngọc. Vào năm 1953, xã Bạch Ngọc được chia làm 3 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn như ngày nay. Với vị trí “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” do thé tự núi kề sông, thuận tiện cho việc giao thương buôn bán với các vùng miền để phát triển kinh tế, chọn Bạch Ngọc làm lỵ sở, Lý Nhật Quang vừa kiểm soát được an ninh quốc phòng cả vùng Hoan Châu, vừa có thể khai thác cả một vùng đồng bằng rộng lớn để phát triển kinh tế, tích trữ lương thảo, khai thác lâm thổ sản. Công đức của ngài Lý Nhật Quang đối với Nghệ An nói chung, vùng đất Bạch Ngọc nói riêng rất to lớn.

Năm 1057, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang quy hóa và hiển thánh ngay dưới chân núi Quả, nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, khóc than như khóc cha mẹ mình. Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng nhớ ơn và lập đền thờ ông đúng nơi ông đã quy hóa và hiển thánh, gọi là đền Quả Sơn. Chuyện còn ghi lại, sau khi quy hóa, Lý Nhật Quang đã hiển thánh và luôn phù hộ cho triều đình đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược, nên các triều đại về sau, mỗi khi xuất quân đánh giặc đều về đền Quả Sơn thắp hương cầu ngài phù hộ và sau khi thắng trận, lại về đền thắp hương tạ lễ báo công.

Cùng với thờ Uy Minh Vương, đền Quả Sơn còn thờ Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là 2 hoàng tử nhà Lý, anh em của Lý Nhật Quang được nhà vua cử vào giúp Lý Nhật Quang trong thực hiện việc chính sự. Như vậy, từ thế kỷ 11 đã có 3 hoàng từ nhà Lý trấn thủ vùng đất Nghệ An biên viên và hiểm yếu này, tạo cơ sở vững chắc cho nhà Lý và các triều đại về sau, củng cố và xây dựng quốc gia Đại Việt ngày càng vững mạnh. Lễ hội đền Quả Sơn là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc thể hiện tấm lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An nhằm tri ân nhà Lý.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Quả Sơn đã được các triều đại phong kiến xây dựng và trùng tu tôn tạo nhiều lần. Năm 1073, khi Lý Độ Thành được cử làm tri châu Nghệ An, ông đã dâng sớ lên triều đình nhà Lý miễn tô thuế vùng Bạch Ngọc để chăm lo hương khói cho đền Quả Sơn. Đến đầu thế kỷ thứ 20, ngôi đền có quy mô 7 tòa, 40 gian mang phong cách kiến trúc thời Lý-Trần đã được xếp vào hạng “quốc tế” và” “quốc tạo”, tức là nhà nước đứng ra tế lễ và xây dựng. Đền Quả Sơn được xem là một trong những đệ nhất danh thiêng của xứ Nghệ. Năm 1953, bom đạn của thực dân Pháp đã làm cho đền bị phá hoại nghiêm trọng. Tưởng nhớ công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, người dân Bạch Ngọc và xứ Nghệ đã rước di tượng của Ngài cùng ngai vị của Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương về chùa Nhân Bồi để bảo vệ và chăm lo hương khói. Nhiều đồ tế khí quý giá của đền được nhân dân đưa về nhà cất giữ cẩn thận, nguyên vẹn sau này đã tự nguyện mang lại đền. Vì vậy chùa Nhân Bồi, chùa Bà Bụt hiện là những di tích cơ bản, quan trọng gắn liền không thể tách rời với di tích lịch sử Đền Quả Sơn.

Thực hiện chủ trương bảo tồn, xây dựng và tôn tạo các di sản văn hóa dân tộc từ năm 1996, với tình cảm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, được sự giúp đỡ, chỉ đạo của ngành văn hóa Tỉnh Nghệ An, cấp ủy chính quyền nhân dân huyện Đô Lương và bà con du khách gần xa, đền Quả Sơn đã từng bước được xây dựng lại ngay chính trên vị trí từ ngàn xưa của đền. Ngày 12/2/1998, đền Quả Sơn được Bộ VH-TT xếp hạng “Di tích lịch sử văn hóa” cấp quốc gia. Ngày 17 tháng chạp hàng năm là ngày lễ chạp đền (hay còn gọi là lễ giỗ Lý Nhật Quang). Thể theo nguyện vọng của nhân dân, lễ hội đền Quả Sơn được tổ chức hằng năm với nhiều hoạt động về phần lễ và phần hội. Nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Quả Sơn là lễ rước ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt (hay còn gọi là Tiên tích tự-là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh), tương truyền bà bụt là người luôn phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, được sự gia ân của các bậc tiền nhân, của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện về mọi mặt. Huyện Đô Lương tự hào là địa phương còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa quý giá. Đô Lương hiện có 177 di tích trên địa bàn, trong đó có 9 di tích LSVH cấp Quốc gia, 10 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Thực hiện chủ trương của Đảng vê xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Luật di sản văn hóa, nhân dân Đô Lương sẽ không ngừng bảo vệ, gìn giữ, tôn tạo các di tích trên địa bàn.

Đài Đô Lương

Thẩm Mỹ Sen
chăm sóc da mặt