Kinh tế có thể tăng trưởng vượt dự kiến

Những số liệu kinh tế được công bố tại phiên họp báo tháng 7 của Chính phủ cho thấy tín hiệu rõ nét hơn về khả năng nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng trên 5% trong năm nay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc (phải) tại cuộc họp báo. Ảnh: chinhphu.vn

Theo báo cáo của Chính phủ, các nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả. Các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… đều tăng trưởng, thị trường tài chính – tiền tệ cơ bản duy trì ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước và đang trên đà phục hồi. Ngoại trừ tháng 1 có tốc độ tăng trưởng âm, giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng còn lại đều tăng nhanh qua từng tháng. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục phát triển thuận lợi nhờ chính sách kích cầu đầu tư và sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng lớn hơn hẳn so với những tháng cuối năm 2008 và đầu năm nay, khi người dân tích cực thắt chặt chi tiêu.

Tuy vậy, xuất khẩu trong hơn nửa đầu năm nay vẫn rất khó khăn, với kim ngạch đạt 32,35 tỷ USD, giảm tới 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết mặt hàng có thống kê về lượng, mức giá bình quân tính được đều giảm rất mạnh. Tính sơ bộ, với việc giảm giá xuát khẩu các mặt hàng chủ yếu, kim ngạch xuất khẩu giảm do giá đi xuống là 6 tỷ USD. Nhập siêu trong 7 tháng được giữ ở mức tương đối thấp so với cùng kỳ năm trước, vào khoảng 3,38 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2009 đã được điều chỉnh từ 13% xuống 3%. Song thực tế, con số này cũng khó đạt được. Nhưng cũng theo ông Đỗ Hữu Hào, GDP năm nay vẫn có khả năng đạt mức tăng 5,2%. Theo kế hoạch kinh tế – xã hội được điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay.

Về việc thực hiện chính sách kích cầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hiện Chính phủ không có chủ trương dừng hay điều chỉnh giảm các chính sách kích cầu. Thay vào đó, là theo dõi tình hình thế giới để có phản ứng và chính sách kịp thời đối phó với những diễn biến có thể xảy ra. Với tinh thần hướng đến đạt mức tăng trưởng GDP trên 5%, Chính phủ đã đề ra một số chủ trương lớn.

Theo đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kích thích nền kinh tế, nhất là các chính sách tài chính, tiền tệ, miễn, giảm, giãn thuế, điều hành linh hoạt thị trường mở, tích cực hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay sản xuất, kinh doanh, mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ nông nghiệp, các khoản vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách… cần tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất. Song song với kích cầu tăng trưởng cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt chú ý tiêu thụ lúa gạo, cá ba sa, đảm bảo cho nông dân có lãi, ổn định cuộc sống và đảm bảo hỗ trợ của Chính phủ đúng địa chỉ và có hiệu quả.

Để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia sẽ đánh giá tổng quan tình hình, sớm đề suất ý kiến với Chính phủ các biện pháp điều hành tỷ giá, cân bằng cán cân thành toán, cân đối hài hòa lợi nhuận của các ngân hàng và các công ty sản xuất, kinh doanh.

Cùng lúc, các Bộ, ngành sẽ tập trung giải ngân vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản từ các nguồn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ ODA, đặc biệt chú ý kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện.

Riêng về việc điều hành giá xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã nhận được đề nghị tăng giá của các doanh nghiệp. Bộ đang cân nhắc để có quyết định chính thức bởi việc tăng giá rất nhạy cảm sẽ có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.

Thu Nga (VNEXPRESS)

Thẩm Mỹ Sen
chăm sóc da mặt