Lúng túng trong xử lý vụ “ôm xác vợ suốt 5 năm”

Đến chiều 30/11, địa phương vẫn chưa thể xác định trong bức tượng vợ ông Lê Vân có xương cốt hay không. Ông Trần Trọng Sanh, Chủ tịch thị trấn Hà Lam than vãn: “Xác định trong tượng có xương không đã khó, việc xử lý còn khó hơn”.

Đã một tuần trôi qua kể từ khi vụ việc ông Lê Vân, trú tổ 12 thị trấn Hà Lam (Quảng Nam) đào xương cốt vợ đắp tượng ôm ngủ được thông tin trên báo chí, việc xác minh, giải quyết của chính quyền và các cơ quan chức năng ở huyện Thăng Bình và thị trấn Hà Lam vẫn chưa có bước tiến triển đáng kể.

 

Ngày 30/11, chúng tôi trở lại Hà Lam khi có nhiều nguồn dư luận về chuyện thật giả xung quanh pho tượng mà ông Lê Vân khẳng định có chứa bộ hài cốt. Một số tờ báo còn đưa tin chuyện ông Vân đào mả vợ là bịa đặt vì ngôi mộ vẫn còn nguyên, rằng có nhóm thanh niên hiếu kỳ đã tự ý vào nhà ông Vân mổ chân bức tượng và phát hiện bên trong toàn là gỗ.

 

Nghe hỏi về chuyện này, ông Vân tỏ ra bực tức: “Hôm kia, trong lúc tôi đi vắng kẻ nào đó đã vào rạch chân tượng, sau đó dùng giấy dán lại sơ sài. Cho đến chiều tối, thay đồ cho bả tôi mới thấy…”.

 

Theo đề nghị của chúng tôi, ông Vân bóc lớp giấy mà ông vừa dán thêm vào, bên dưới là một vết rạch dài khoảng 7cm. Ông Vân cho biết đoạn xương cẳng chân được quấn 7-8 lớp bằng chiếc áo ấm mà trước đây các con ông vẫn mặc nên vết rạch cạn chừng 1cm không làm lộ đoạn xương nằm bên trong. Quan sát kỹ vết rạch này, chúng tôi chỉ thấy các lớp vải chứ không hề thấy những thanh gỗ như lời đồn đoán.

 

Thông tin về việc ông Vân ôm hài cốt vợ ngủ nhiều năm trời khiến tổ 12 thị trấn Hà Lam náo động mấy ngày qua. Anh Võ Văn Phước ở gần nhà ông Vân cho biết có rất nhiều người tò mò đến nhà ông Vân để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Một số tài xế xe ôm ở khu vực ngã ba Cây Cốc – phía dưới nhà ông Vân cũng thêu dệt những câu chuyện ly kỳ, ma quái khiến các hộ dân sống gần nhà ông Vân cảm thấy bất an. Nhiều em nhỏ buổi tối sợ không dám ra đường. Các em học sinh buổi tối đi học về ngang qua nhà ông Vân cũng cảm thấy lo sợ.

 

Anh Phước cho biết khi bà Phạm Thị Sang chết, anh vẫn thường hay qua lại trò chuyện với ông Vân để giúp ông khuây khỏa nỗi buồn. Cuối năm 2004, khi nghe tin ông Vân đào xác vợ, anh có chạy lên xem thì thấy quan tài được neo trong phần kim tĩnh, cách mặt đất khoảng 30cm. Thi thể trong quan tài vẫn được quấn trong lớp vải liệm. Sau khi chính quyền địa phương cưỡng chế chôn lại quan tài, ông Vân có nói với anh Phước là sẽ tìm cách đưa hài cốt vợ về nhà. Anh Phước cũng chứng kiến ông Vân đắp bức tượng vợ bằng giấy và thạch cao và chỉ nghĩ ông Vân làm tượng cho bớt nhớ vợ.

 

Anh Phước cho rằng thật rùng rợn nếu ông Vân đưa cả xương cốt vào trong đó. Cũng như nhiều hộ dân khác, anh muốn chính quyền địa phương giải quyết nhanh vụ việc này để giúp bà con yên tâm làm ăn sinh sống. 

 


Ông Vân “chứng minh” bên trong tượng là hài cốt vợ.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trọng Sanh, Chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình cho biết sáng 30/11, đại diện chính quyền địa phương, Công an thị trấn và các đoàn thể đã đến nhà ông Vân. Tại đây, đại diện Chi bộ tổ 12, thị trấn Hà Lam đã đọc lá đơn khiếu nại của người dân trong tổ về việc ông Vân để hài cốt trong nhà khiến nhiều người từ các địa phương khác kéo đến xem, có kẻ còn lợi dụng việc đó để thực hiện các hành vi đồng bóng, gây xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng không tốt đến an ninh trật tự tại địa phương. Lúc này, ông Lê Vân lớn tiếng và nhất quyết không cho tổ công tác kiểm tra bức tượng. Cuối cùng, tổ kiểm tra đành phải ra về sau khi gửi ông Vân giấy mời ông chiều cùng ngày đến chính quyền địa phương làm việc. Ông Vân không chịu nhận giấy mời và nhất quyết ở nhà để giữ tượng vì sợ có người vào phá phách.

 

Ông Vân còn dùng hai tờ giấy khổ lớn ghi“Có gúp (giúp) tôi thì gúp bằng quan tiền chắn (chén) gạo, đừng gúp tôi bằng lời lẽ xuối (xúi) dục con tôi sát hại tôi nữa” dù những người con trai lớn của ông đều làm ăn xa, ở nhà chỉ còn cậu con út 12 tuổi hàng đêm vẫn ngủ chung với ông và 2 cô con gái 15, 17 tuổi.

 

Chúng tôi đã đến nhà ông Nguyễn Hồng Lê để tìm hiểu ý kiến của bà con trong tổ về vụ việc này. Ông Lê cũng cho rằng trong bức tượng không có xương cốt bà Phạm Thị Sang – vợ ông Lê Vân – vì chính quyền địa phương đã giao cho con ông Vân là Lê Quốc Việt mang đi cải táng nơi khác.
 
Thông điệp mới do ông Vân dán lên tường.

 

Đến khi chúng tôi đưa ra bức ảnh chụp phần tay bức tượng được ông Vân mở ra, bên trong có 2 thanh rất giống xương trụ và xương quay của cánh tay, ông Lê tỏ ra ngạc nhiên: “Răng lạ vậy hè, chẳng lẽ thằng Việt nói vậy mà chưa chôn. Dạo đó con ông Vân là Lê Quốc Việt phản đối quyết liệt việc ông Vân đưa xương cốt về nhà và hứa sẽ mang đi cải táng nơi khác theo vận động của chính quyền địa phương. Thấy mọi việc êm xui, không ai kiện cáo gì nên chúng tôi tin đã xong xuôi mọi việc”.

 

Công an thị trấn Hà Lam và nhiều cán bộ khác của huyện Thăng Bình và thị trấn Hà Lam đều khẳng định việc làm của ông Lê Vân là trái với thuần phong mỹ tục và không được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, ông Vân có biểu hiện thần kinh không bình thường và từng nhiều lần tuyên bố “cùng sống chết” với pho tượng nên địa phương chưa thể giải quyết rốt ráo vì sợ ông Vân có hành động sốc nổi, gây hậu quả ngoài ý muốn.

 

Mặt khác, chính quyền địa phương chưa xác định được biện pháp xử lý cụ thể nếu bên trong tượng có xương người vì vụ việc này hiếm có trên cả thế giới và chưa có tiền lệ trong cả nước từ trước đến nay. Vì vậy, vụ việc này không thể giải quyết nhanh chóng mà cần phải có thêm thời gian…

Theo Dantri

Thẩm Mỹ Sen
chăm sóc da mặt