Vượt lên chính mình

Bao năm rồi phiên chợ nào cũng vậy, mới tờ mờ sáng người ta đã thấy anh ngồi trên chiếc xe lăn đi trước, chị gồng gánh theo sau. Và khi đồng hồ đã điểm sang chiều chị lại gồng gánh theo sau anh trở về nhà. Hẳn vì vậy mà khi chúng tôi hỏi tìm nhà anh Trinh chị Cảnh làm nghề xay thịt ở xóm 2B – xã Hưng Đạo thì mọi người trong xã đều biết.


Không được cuộc đời ưu ái nên khi mới 5 tuổi, sau một cơn sốt, hai chân cứ teo dần lại không thể đi đứng được, khó khăn đến với cậu bé Lê Duy Trinh bắt đầu từ đó. Nhà nghèo nhưng với bản tính thông minh ham học, vượt qua mọi khó khăn và ánh mắt của bè bạn, Trinh chăm chỉ đến trường. Gương mặt khôi ngô, bản tính hiền lành và sự thông minh của anh đã để lại trong lòng thầy cô và bè bạn những tình cảm yêu mến, trong đó có chị Ngô Thị Cảnh – là bạn học cùng trường.

 Nhưng dù có cố gắng đến mấy Trinh cũng chỉ theo học được đến hết cấp hai, vì đường sá xa xôi, đôi tay anh không thể nào tự xoay xở. Anh nghỉ học ở nhà, tự mày mò học hỏi làm đủ thứ nghề từ cắt tóc, xay bột, rồi đến anh thợ may của làng.

%image_alt%
Anh Trinh bên máy xay thịt ở chợ Lò

Học xong cấp 2, chị Cảnh lên đường nhập ngũ. Năm 1981 chị trở về quê, thương cảm và kính phục trước nghị lực của anh, chị đem lòng yêu mến và được đáp lại. Hai người quyết định gắn bó với nhau.

 Gia đình họ hàng chị không đồng tình trước quyết định này vì cho rằng một người bình thường làm được mà ăn đã khó, lấy một người chồng tàn tật thì rồi cuộc sống sẽ ra sao? Nhưng tất cả những lời khuyên ngăn cũng không hề cản được tình yêu của đôi bạn trẻ.

Ai cũng bảo chị sao mà can đảm. Quả thật là thế. Xuất thân từ một gia đình nông dân đông con, từ nhỏ chị đã phải chịu nhiều khổ cực thiếu thốn, nhưng khi cùng với anh về chung tay xây dựng gia đình mới chị vẫn thấy chưa bao giờ khó khăn hơn thế. “Một mái nhà tranh hai trái tim vàng” có thể không có trong thời nay, nhưng ở hoàn cảnh của chị có thể dùng câu nói ấy được.

Dưới mái tranh nghèo chỉ đủ che nắng không đủ che mưa, cha già mẹ yếu và người chồng không bao giờ có cơ hội được đi trên đôi chân của mình, mọi sinh hoạt cá nhân cũng phải nhờ vào bàn tay vợ, thử hỏi còn có sự bắt đầu nào khó khăn hơn nữa? Rồi đứa con đầu tiên chào đời. Hai ngày sau khi sinh chị đã phải dậy lo cáng đáng mọi việc trong nhà. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là khi đứa thứ hai rồi đứa thứ ba ra đời.

%image_alt%
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thăm gia đình anh Lê Duy Trinh

Tưởng không còn nỗi bất hạnh nào hơn khi đứa con gái út mới lọt lòng đã bị bại liệt, suốt ngày chị không thể buông con ra, một tay ôm con một tay làm việc nhà. Ngày ngày, tháng tháng, năm năm, ban ngày phải mò cua bắt ốc ngoài đồng, đêm về nhìn khúc ruột của mình cứ lớn dần lên, gầy gò xanh xao không thể chạy nhảy như bạn bè cùng trang lứa lòng chị đau như xát muối.

Phải làm gì cho cuộc sống đỡ vất vả hơn? Nhìn vào dăm ba sào ruộng chẳng thấm vào đâu, nghề may của anh trước còn có khách nay cũng dần trở nên ế ẩm do người ta ưa mua đồ may sẵn. Lúc đang loay hoay tìm lối đi thì cậu con trai Khánh Duy đề xuất mua chiếc máy xay thịt, công việc có vẻ nhẹ nhàng mà bố có thể làm được.

Thoạt đầu anh Trinh không đồng ý vì từ nhà đến chợ Lò cũng hơn hai cây số. Đi bằng chân cũng đã mệt, nói gì anh phải đi bằng tay sức nào mà bò ra đến chợ. Chị chạy vay mượn tiền mua cho anh chiếc xe lăn và chiếc máy xay thịt. Vậy là từ đó, sáng chợ phiên nào chị cũng thức anh dậy thật sớm, giúp anh làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị các thứ cho công việc rồi anh ngồi trên chiếc xe lăn đi trước, chị tiếp bước theo sau ra chợ hành nghề.

Năm 2003, đứa con gái út của anh chị sau mười sáu năm nằm một chỗ đã qua đời để lại cho gia đình một niềm tiếc thương vô hạn nhưng bù lại anh chị còn hai đứa con chăm ngoan, dễ thương. Cậu con trai đầu tuy học rất giỏi nhưng hiểu hoàn cảnh gia đình nên tốt nghiệp THPT nhất định không thi đại học mà đi làm đủ nghề từ bán bánh bao, bán sữa đậu nành, đạp xích lô chở hàng để nuôi em gái học đại học.

 Thương bố mẹ, thương anh vất vả, Hải Yến ngoài giờ học trên giảng đường cũng lo làm thêm để kiếm tiền trang trải. Trong suốt 4 năm học đại học, Yến luôn là một học sinh xuất sắc được nhận nhiều học bổng của trường cũng như các tổ chức nước ngoài. Ra trường em được một ngân hàng nhận ngay vào làm việc. Ước mơ của Yến là ngày nào đó anh trai mình cũng được vào đại học.

Xúc động trước hoàn cảnh gia đình cũng như mừng vui trước tinh thần vượt khó học giỏi của các cháu, ngày 20/9/2007, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong dịp về thăm Nghệ An, đã ghé thăm gia đình anh chị.

Trong buổi gặp gỡ ngắn ngủi ấy, Phó Chủ tịch nước đã có lời thăm hỏi và trao cho Duy món quà nhỏ với lời động viên và nhắn nhủ: “Lúc nào có tin vui thì báo tin cho bác”. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, chị Cảnh bảo: bây giờ thỉnh thoảng các chị phụ nữ ngoài Trung ương vẫn điện về hỏi có tin vui gì chưa, nhưng quả thật là cuộc sống còn khó khăn quá nên ước mong cho con trai học đại học phải đành gác lại.

Vâng, hạnh phúc chẳng ở đâu xa, nhưng cũng chẳng gần cho những ai không biết vươn mình tìm kiếm. Tôi biết, và có lẽ nhiều người cũng biết, dù trong hoàn cảnh nào cũng chẳng nên cúi đầu cam chịu, dẫu có mất tất cả, ta vẫn còn tương lai.

Lê Giang(CANA)

Thẩm Mỹ Sen
chăm sóc da mặt