Mồ côi cha, con thơ ‘đứt chữ’ giữa đường

Ngược Cà Mau, từ Phú Yên, tới Quảng Bình, rồi Hà Nam, phóng viên VietNamNet gặp nhiều mảnh đời trẻ cấp 2, bé tiểu học không còn được sống trong vòng tay cha mẹ, đang hàng ngày vật lộn với cuộc sống để tới trường.  

Nắng tháng tám nhuốm vàng cả một vùng quê. Trong căn nhà khuất sau con đường mòn lô nhô đá chởm (thôn Nham Kênh, Thanh Liêm, Hà Nam), những hàng nước chảy dài, thấm đẫm các nếp hằn sâu trên khuôn mặt đã khô héo vì tuổi tác, vì lo âu, vì đau khổ của bà Lực.

Hai đứa cháu của bà – Nguyễn Xuân Tú năm nay lên lớp 9, còn Nguyễn Thị Linh cũng bắt đầu vào lớp 6 đang mếu máo khi nghe bà nói, một ngày không xa, cả 2 em có thể không còn được đến trường.

Nhắc đến chuyện nghỉ học, Tú chỉ lẳng lặng cúi đầu

Mô tả ảnh.
Tú và Linh òa khóc khi nghe bà nói về quyết định buộc phải cho 2 cháu nghỉ học. Ảnh: Vũ Điệp

Gần 10 năm trôi qua, nhưng những ám ảnh về cái chết của 2 người con trai trong tai nạn khai thác đá với đôi vợ chồng già 70 tuổi vẫn chưa lắng lại.  

Bố mất, mẹ bỏ đi biền biệt, hai đứa trẻ sống cùng với ông bà nội trong ngôi nhà tranh vách đất tồi tàn.

Cũng chừng ấy năm, miệng ăn của 2 người già, 2 đứa trẻ và một cô con gái gần 30 tuổi bị bệnh thần kinh đều trông chờ vào 6 sào ruộng. 

Tuổi cao lại đau ốm liên miên, mùa vụ đến, ông bà cũng không còn đủ sức mà nai lưng…

Những vạt nắng chiều xuyên qua các vách nứt. Căn phòng trống toác sáng lên, chỉ thấy chồng sách vở và tập giấy khen của Linh, Tú được ông Định xếp ngay ngắn ở một góc.

Đưa bàn tay gầy khô xương lên khuôn mặt sạm đen, bà Lực khẽ lau khô khuôn mặt: “Bằng ấy năm, hai vợ chồng tôi cũng phải nhịn ăn, nhịn uống, cố gắng tích góp từng đồng để lo cho hai cháu được đi học, lấy cái chữ để sau này đỡ khổ. Nhưng thân già, sức tàn lực kiệt nên chẳng biết phải nương nhờ vào ai…”.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Ngoài hai đứa cháu đang tuổi ăn học, ông Đinh, bà Lực còn phải nuôi một người con gái bị thần kinh nên kinh tế hết sức khó khăn.

Thương ông bà, tranh thủ mấy ngày được nghỉ học, Linh đi nhận thêm hàng thêu về làm, kiếm tiền phụ thêm để sắm sách vở. Số tiền kiếm được là 4.000 đồng/ngày, Linh phải ngồi làm cặm cụi từ sáng đến tối khuya mới có. 

“Có nhiều hôm, Tú về xin tiền đóng học nhưng chưa có cho cháu, thấy cháu hờn giận mà tủi, chắc nó ngại với bạn bè. Thấy thế mà thương cháu, nhưng nhà nghèo nên chúng tôi đành nghiến răng chờ khi nào có hay chạy vạy bán một cái gì đó mới có cho cháu đóng được” – bà Lực buồn rầu. 

Mới đây, Tú bị xuất huyết dạ dày, đưa cháu lên Bệnh viện Hà Nam mà trong tay không có một đồng, lại chạy vạy vay mượn gần 3 triệu để chữa bệnh cho cháu, ông bà Lực vẫn chưa nghĩ nổi đến việc trả nợ, cả gốc và lãi.

“Thật sự, không muốn, nhưng cứ đà này có khi năm nay chúng tôi sẽ phải cho một đứa nghỉ học” – bà Lực đưa tay quệt vội trên má.

Quyết nuôi cháu dù đời bà chỉ tính bằng ngày

"Không còn ngoại thì con đi học một mình; không có tiền, con học nợ… "-  Hứa A Linh  (lớp 3, Trường tiểu học số 1 An Dân, xã An Dân, Tuy An, Phú Yên) thổ lộ.

Nằm trên con dốc khá cao, ngôi nhà hướng ra một con sông nhỏ vắt ngang qua quốc lộ 1; phần sau nhà cặp bên sườn núi ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân trông khá cũ kĩ, trống và tối om bên trong.

Vật có giá trị nhất bên trong ngôi nhà này có lẽ là những tờ giấy khen mới toanh của Linh, được treo cẩn thận trên một bìa tường.

Mô tả ảnh.
Hứa A Linh và bà ngoại. Không có góc học tập riêng, hay một cái bàn nhỏ, bất cứ chỗ nào trong nhà cũng là nơi ngồi học. Ảnh: An Bang

Sinh ra trên bàn mổ, mất mẹ vì yếu sức sau ca phẫu thuật; cha bỏ đi biệt xứ. Chín năm nay, Linh sống cùng ông bà ngoại, song ông ngoại cũng bỏ cháu ra đi cách đây vài năm.

Lớn lên từ tình thương yêu đùm bọc của ông bà ngoại và bà con hàng xóm, sữa mẹ, với Linh là điều xa xỉ.

Mỗi ngày, em phải đi về gần 8 km đoạn đường từ nhà đến trường. Vào năm học, Linh không có tiền mua sách và quần áo nên bà ngoại đã đi xin để mua cho em được bộ đồ mới nhập trường.

Tập, bút em không phải mua vì có từ phần thưởng nhận được của năm học trước để dành lại. Quần áo thể dục thì xin của các anh chị học trước để mặc đi học.

Căn bệnh tuổi già đã đeo bám bà Sĩ, bà ngoại của Linh từ mấy năm nay. A Linh còn một người cậu đang sống cùng, cũng đang mắc căn bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối, đang từng ngày đếm ngược thời gian…

Bà ngoại A Linh cho biết, trước đây, em được trợ cấp xã hội hàng tháng 120.000 đồng nhưng kể từ ba tháng nay, số tiền ấy cũng “bặt vô âm tín”.

“Không ruộng đất, không tiền phụ cấp. Bà tuổi già và thường xuyên đau bệnh; ông cậu cũng vậy, chắc cháu nó không thể học tiếp…”- ngoại Linh nghẹn giọng.

Cái ăn hiện tại của bà cháu có được là từ lòng hảo tâm của “người qua đường”. Cánh cửa đến với con chữ và ước mơ của em đang hẹp dần như cái tuổi xế chiều của bà ngoại.

Mô tả ảnh.
Với bà ngoại


Tại trường Linh đang học, cô hiệu phó Lưu Thị Bình cho biết :" Linh ngoan, chăm chỉ. Mấy năm trước, trường cũng thường trích quỹ hỗ trợ quần áo và em Linh được trường cho mượn một số sách của trường. Vào học, bà ngoại cũng đã làm đơn xin miễn giảm những khoản phí có thể để em được rộng đường hơn cho việc đến lớp".

“Lúc mẹ nó lâm chung, đã gắng gượng cầm tay tôi dặn dò: Má chăm sóc cháu giùm con. Đừng cho người khác” – “Nghĩ đến câu nói cuối cùng của con, làm sao tôi nỡ…". Đến đây, bà nghẹn giọng nhìn về phía dòng sông.

 Vừa nuôi cha, vừa nuôi thân

Mẹ mất sớm vì căn bệnh ung thư, cha mang bệnh nan y không còn khả năng lao động, hai anh em vừa mới học cấp 2 đã phải tự lo lấy cơm ăn, áo mặc và theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo.

 

Trong căn nhà lợp bằng mái tôn, xung quanh được che bằng phên tre nhìn thấu từ trong ra ngoài, em Trần Thị Giảng (sinh năm 1996, ở thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) buồn bã nhớ lại bi cảnh gia đình.

Mô tả ảnh.

Dù khó khăn, nhưng nhờ sự quyết tâm, 7 năm liền Giảng luôn đạt học sinh tiên tiến. Ảnh: T. Tài

 

Từ lúc lọt lòng, Giảng đã phải chứng kiến bệnh tật hành hạ cha, mẹ. Cha em, Trần Phúc Duyệt, 49 tuổi, bị tật nguyền từ nhỏ, đôi chân co quắp, đi lại rất khó khăn. Mỗi khi trái gió trở trời lại lên cơn co giật, chân tay tê cứng, nằm liệt giường. 

Một mình mẹ chăm lo cho ba cha con. Hàng ngày, mẹ phải vào rừng chặt củi, đốt than. Vụ mùa thì đi nhận cấy thuê. Đến khi đổ bệnh, mẹ vẫn gắng gượng đi làm.

 

Khi phát hiện bị bệnh ung thư vú, nằm nhà gần 1 tháng mà bệnh tình không thuyên giảm, nhập viện 5 ngày thì mẹ mất.

 

Suy sụp trước cái chết của vợ, bệnh tật của ông Duyệt càng thêm trầm trọng. Năm 2006, sau gần hai tháng nhập viện, ông mắc chứng loạn trí, tâm thần bất ổn và không còn khả năng lao động.

 

Giảng và anh trai Trần Phúc Phường (học lớp 9), vừa đi học vừa phải đi làm kiếm sống. Nỗi lo cơm áo dần lấy đi nét hồn nhiên tinh nghịch của hai đứa trẻ từ đó. Hai anh em bắt đầu lao vào cuộc sống mưu sinh đầy khó nhọc. 

Sáng sớm, Giảng đã ra đồng bắt ốc về bán để lấy tiền mua gạo. Lặn lội suốt buổi sáng, cũng kiếm được từ 10.000 – 15.000 đồng. Buổi chiều, khi Giảng đến trường thì Phường ra đồng “thay ca” cho em. 

Nghỉ hè, hai anh em rủ nhau đi kiếm việc làm thuê. Phường theo các chú thợ xây đi phụ hồ, còn Giảng đến phụ việc cho quán ăn. Được mấy hôm, đi làm về gặp mưa bị ốm nên Giảng nghỉ luôn, ở nhà chăm sóc đàn ong mật và mấy con gà.

 

Những ngày mưa gió, không có việc làm, ba cha con phải sống nhờ vào “nguồn viện trợ” của ông bà nội, ngoại. “Nhiều bữa nhà hết gạo, em phải đi mót từng củ sắn, củ khoai ăn qua bữa”, Giảng buồn buồn.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

Hàng ngày, Giảng chăm nom đàn gà và mấy đàn ong, là nguồn "vốn" nuôi dưỡng ước mơ thành cô giáo của em. Ảnh: Q. Cường

 

Thương con, ông Duyệt gắng gượng theo người em vợ đi xúc cát. Công việc nặng nhọc, sức khỏe suy nhược nên căn bệnh cũ lại tái phát.

 

Ngoài nỗi lo miếng cơm, manh áo hàng ngày, anh em Giảng phải “gánh” thêm khoản tiền thuốc thang cho cha.

 

Dù phải quần quật lo miếng ăn, cái mặc cho gia đình, nhưng Giảng không bỏ bê việc học.

 


7 năm liền đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Giảng ôn bài ở mọi nơi, có khi là bờ sông, góc chợ. Những bài tập khó, em nhờ bạn giải rồi về nhà xem

Lật giở những tấm giấy khen đã hoen màu, cha em không giấu nổi những giọt nước mắt vui sướng: “Từ nhỏ, nó đã phải chịu nhiều cực khổ, nhưng vẫn cố gắng học giỏi. Ngày trước mẹ nó chỉ mong nó trở thành cô giáo”.

Cô Trần Thị Phượng (giáo viên chủ nhiệm của Giảng) cho biết: “Giảng học khá đều các môn, đặc biệt là môn Anh văn. Vừa rồi, em được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi Anh văn của trường”.
 

Giảng cùng anh trai và người bố tật nguyền. Trước mắt họ là một tương lai chưa được định hình. Ảnh: Tấn Tài

Giảng cùng anh trai và người bố tật nguyền. Trước mắt họ là một tương lai chưa được định hình. Ảnh: Tấn Tài

Sắp bước vào năm học mới, có thể Phường sẽ phải nghỉ học để ở nhà chăm sóc cha và lo công việc gia đình. Nhưng với Giảng, quyết tâm đi học nung nấu mạnh lắm. "Nếu không học thì suốt đời cứ phải đi bắt ốc, làm thuê… Em đã có một đàn gà, em sẽ bán để mua quần áo và các thứ cho năm học mới”.

Hiện gia đình em đang nuôi mấy đàn ong mật, mỗi năm cũng thu được một khoản tiền nho nhỏ. Theo Phường thì đó là nguồn dự phòng những lúc ốm đau, và để em gái thực hiện ước mơ lên giảng đường.
                       

  • Vietnamnet   
Thẩm Mỹ Sen
chăm sóc da mặt