Thương dân, ông bí thư huyện ủy Bắc Trà My – Quảng Nam, nói: “Tôi không cho đóng điện, nếu để dân của tôi khổ”. Không chỉ lo phát triển sản xuất, bảo vệ rừng, ông bí thư còn lo những giá trị truyền thống bị mai một.
Đến nơi tái định cư, dân vùng Dự án thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) có nhà mới đẹp hơn nhà cũ. Tiền túi cũng rủng rỉnh nữa… Nhưng, đất sản xuất thiếu. Nước không lên được đồi. Giá cả đắt đỏ. Có trạm xá, nhưng thiếu nhà hộ sinh. Người chết cũng thiếu chỗ an táng.
![]() |
Khu tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 – Ảnh: Trung Việt |
Công an huyện bắt nhiều đối tượng cờ bạc, trộm cắp, hiếp dâm ở vùng tái định cư – chuyện này chưa xảy ra khi bà con còn sống nơi cũ.
Ông Huỳnh Tấn Sâm, Bí thư huyện ủy Bắc Trà My – Quảng Nam, trước những khó khăn mà người dân vùng tái định cư (TĐC) Dự án thủy điện Sông Tranh 2 đang phải chịu, đã tuyên bố như trên.
Có tiền mà không có đất…
Việc đền bù, di dời, TĐC cho Dự án thủy điện sông Tranh 2 thực hiện từ năm 2005, với hơn 800 hộ thuộc vùng dự án. Có thể thấy việc dân di cư đến nơi ở mới đã hơn hẳn chỗ cũ về nhà cửa; đời sống một bộ phận người dân đã khá lên, do nhận được tiền đền bù, giải tỏa. Nhưng mặt trái của vấn đề cũng là đây.
|
Trung tá Đinh Văn Du, công an huyện cho biết: Nghiện ma túy, gây rối trật tự, hiếp dâm ngày càng phức tạp – điều mà trước đây khi dân chưa vào khu TĐC, không hề có. Nguyên nhân cũng là dân có tiền mà không có việc làm, sinh bậy.
Bà Vũ Thị Điệp, thôn 6 Trà Bui nói: “Gia đình tôi có bốn người, nhận một cục tiền, vào đây đã 3 năm, giá cả thì cao, chừng đó ăn cũng đã hết, lấy đâu ra nữa. Đất thì không biết ở đâu”.
Chị Lê Thị Thảo thì cho rằng: “Khi lên đây , nghe nói là có đất, chờ mãi mà không thấy đâu. Nơi ở mới không bằng nơi cũ”.
Trong qui hoạch, người dân được cấp 1.000 m2 đất ở và vườn. Ông Hồ Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui, nói: “Đất vườn, đố làm được gì! Vì đó là rừng, toàn cây và đá”.
Ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng Tài chính huyện, cho biết: 100 phần trăm dân đã ký vào biên bản xin nhận tiền, đất thì họ sẽ tự kiếm. Bây giờ nhận đủ tiền, họ la không có đất. Mà đất thì có đấy, nhưng nhận tiền rồi, ai cấp cho không.
Đời sống khó khăn
![]() |
Chị Hồ Thị Thiên bên bể nước không chảy: “Mình sẽ về nơi cũ thôi” – Ảnh: T.V |
Tại các khu dân cư, có đến bảy bể nước không có nước, bà con la trời. Chị Hồ Thị Thiên, thôn 2 cho biết: Phải tìm đường ống tự bắt nước. Nhà chị cũng không dám ở, vì bị bố trí ngay dưới chân đồi, lại có nước ngầm chảy dưới nền, có thể sập bất kỳ lúc nào.
Cạnh đó là nhà các ông Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Tuấn, đã bỏ nhà xuống rẫy ở, vì bão số 9 lở đất, 3 giờ sáng các ông phải chạy sang nhà khác trú nhờ.
Việc không có nước sinh hoạt cho dân, gây bức xúc kéo dài, nhưng theo một người có trách nhiệm của ban quản lý Dự án (Ban QLDA) thủy điện Sông Tranh 2, là do người dân không có ý thức bảo vệ đường ống.
Ông Hồ Văn Tiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã, nói: “Ý thức gì? các ông thiết kế bờm. Nhà ở trên đồi mà đường ống thì dưới thấp, nước nào lên nổi?”.
Trường mẫu giáo, 2 thôn không có; trường khác thì cái đặt trên đồi, cái dưới trũng. Trạm y tế xã không có phòng hộ sinh. Một loạt vấn đề khác, từ đền bù hoa màu, vật kiến trúc, ao cá đến tiền hỗ trợ di dời mà theo báo cáo của Xã là sai nghiêm trọng với qui định của Tỉnh, đã kéo dài, dân khiếu kiện nhiều lần; Xã gởi văn bản liên tục, nhưng 3 năm qua không được giải quyết.
Đáng lo nhất cho dân TĐC là ở đây không có nghĩa địa. Dân sở tại không cho người mới đến chôn cất vào đất rừng của họ. Rất nhiều người khi chết phải để nhiều ngày, xã mới tìm được chỗ an táng.
Chị Thảo nói: “Phải cày ủi nghĩa địa ra, vì đây không phải đất làng mình, chôn vào rừng người ta không được đâu”. Ban QLDA thì chỉ lung tung trong rừng, biết chỗ nào mà chôn.
Vấn đề trên được đưa ra tại cuộc họp ngày 17/11 tại UBND xã. Đại diện Ban QLDA vẫn giữ quan điểm là không san ủi nghĩa địa mà chỉ có ranh giới cắm mốc khu vực chôn cất.
“Tôi cũng bị lừa”
![]() |
Ông Huỳnh Tấn Sâm |
Cán bộ có trách nhiệm của địa phương lo sợ rồi đây bà con sẽ bỏ làng về nơi cũ, thậm chí phát sinh các vấn đề nghiêm trọng. Lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
Ông Huỳnh Tấn Sâm, bí thư huyện ủy cho rằng, lúc mới bắt đầu trình phương án, ông có nghe và góp ý. Bên chủ đầu tư là Ban QLDA nói rất hay, trong đó có việc cấp đất sản xuất cho dân.
“Tôi cũng bị lừa. Biết thế này tôi đã không đồng ý. Đất đổi đất là chính sách chỉ áp dụng ở đồng bằng, vì ở đó đất như nhau. Đằng này đất miền núi, bà con ổn định canh tác, khai hoang đã lâu, bây giờ anh đổi ngang, đưa người ta chừng đó đất toàn cây, đất, đá chưa được khai hoang, làm sao được?
Đổi, đồng ý, nhưng phải khai hoang ra cho tôi. Cứ đem chính sách đổi đất ở các KCN áp vào miền núi, là sai lầm nghiêm trọng của tỉnh”.
Ông Sâm khẳng định: “Các vấn đề nảy sinh ở đó, nếu không giải quyết được, tôi sẽ không cho đóng điện, bởi họ làm xong rồi, đi mất, bán điện lấy tiền, dân tôi khổ, ai chịu đây? Ban QLDA đã thiếu trách nhiệm với dân, chỉ lo phần mình cho xong”.
Liên quan đến việc phát triển thủy điện tại miền núi, ông Sâm nói: “Tôi cho rằng nên chấm dứt. Không phải cứ phát triển công nghiệp miền núi là làm thủy điện mà bất chấp tất cả. Làm thủy điện có lợi thì lợi cho ai, trong khi rừng bị phá, lũ lớn hạ lưu, diện tích rừng bị thu hẹp, dân mất đất sản xuất, văn hóa truyền thống mai một”.
Theo TP