TT – Cơ quan điều tra của Quốc hội Mỹ đã chứng minh rằng công tác an ninh trên đất Mỹ lỏng lẻo đến mức bất cứ ai cũng có thể mang bom vào các tòa nhà chính phủ một cách dễ dàng.
CNN dẫn báo cáo của Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ (GAO) cho biết các nhân viên điều tra của GAO, mặc thường phục, đã 10 lần mang bom vào các tòa nhà chính phủ ở bốn thành phố trong năm ngoái.
Nhân viên an ninh một tòa nhà chính phủ Mỹ sụp mũ ngủ ngon lành khi đang làm nhiệm vụ -Ảnh: CNN/GAO |
Theo báo cáo của GAO, các nhân viên điều tra có thể dễ dàng mua vật liệu chế tạo một quả bom tại các cửa hàng tạp hóa hoặc trên mạng Internet với giá chỉ 150 USD. Họ cho các loại vật liệu này vào vali và thoải mái đi vào các tòa nhà chính phủ đầy nhân viên bảo vệ và được trang bị máy soi X-quang ở cổng.
“Tại bốn, năm địa điểm, các nhân viên bảo vệ thậm chí chẳng thèm nhìn vào màn hình máy X-quang để xem có vật gì trong vali” – CNN dẫn lời Mark Goldstein, một quan chức của GAO. Trong một trường hợp, một nhân viên bảo vệ có hỏi về chiếc vali mà nhân viên điều tra đang xách, nhưng chỉ sau một lời giải thích qua loa là nhân viên bảo vệ này cho qua. Sau đó các nhân viên điều tra GAO vào phòng vệ sinh, ung dung lắp ráp bom, lại cho vào vali rồi mang đi khắp nơi trong các tòa nhà, bao gồm cả văn phòng của các nghị sĩ.
CNN cho biết dù nhiệm vụ bảo vệ các tòa nhà liên bang thuộc về lực lượng cảnh sát, nhưng hiện tại Cơ quan Bảo vệ liên bang (FPS) đang thuê 13.000 bảo vệ tư nhân để canh gác các tòa nhà. Tính ra mỗi năm chính quyền Washington phải chi tới 1 tỉ USD để bảo vệ 9.000 tòa nhà liên bang trên toàn quốc. GAO kiểm tra ngẫu nhiên 663 nhân viên bảo vệ tư nhân và phát hiện 62% không đáp ứng đủ tiêu chuẩn nghề nghiệp. Trong một trường hợp các nhà điều tra GAO còn chụp được ảnh một nhân viên bảo vệ tòa nhà chính phủ ngủ gục khi đang canh gác. Ở một tòa nhà khác, một bảo vệ bị bắt quả tang sử dụng máy vi tính công để quản lý một trang web đồi trụy.
CNN cho biết sau khi bản báo cáo được công bố ngày 8-7, thượng nghị sĩ Joseph Lieberman, chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa, đã gọi kết quả cuộc điều tra là “không thể nào chấp nhận nổi”. Còn thượng nghị sĩ Susan Collins tuyên bố: “Trong thế giới hậu 11-9, tôi không thể tưởng tượng được rằng những lỗ hổng an ninh lớn đến thế lại có thể tồn tại”. GAO xác định FPS là “cơ quan đang rơi vào khủng hoảng”. Trong cuộc điều trần ngày 8-7 trước quốc hội, giám đốc FPS Gary Schenkel đã nhận hoàn toàn trách nhiệm và thừa nhận nguyên nhân của những lỗ hổng an ninh này hoàn toàn do FPS thiếu giám sát chặt chẽ.
HIẾU TRUNG