Vào những ngày này, sắp đến rằm tháng 7 năm 2023, các hộ gia đình làm hương ở Đô Lương lại rộn rã tất bật với nghề. Bởi “cả năm được rằm tháng 7, cả thảy được rằm tháng giêng”, đây là dịp hầu như gia đình nào cũng làm lễ cúng “Xá tội vong nhân”, các nhà Chùa làm nghi lễ Vu lan báo hiếu. Do vậy nhu cầu thắp hương tăng cao hơn so với các tháng khác trong năm. Người làm hương lại “chạy đua với cái nắng” để sản xuất hương đủ số lượng xuất bán ra thị trường.
Nằm bên bờ Sông Lam hiền hòa, gia đình chị Hoàng Thị Nghĩa tranh thủ tiết trời đang nắng ráo sản xuất hương với số lượng lớn, mỗi ngày trên 5.000 búp hương. Ảnh: Ngọc Phương
Trời nắng, hương rất nhanh khô, bởi nắng từ trên xuống và sức nóng tỏa lên từ mặt đường bê tông.
Hương sau khi làm xong phải được phơi kỹ, vì thế nghề làm hương phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu làm vào mùa mưa dầm gió bấc thì phải dùng lò sấy, nếu không hương sẽ bị mốc và hỏng.
Cơ sở sản xuất hương trầm của gia đình chị Hoàng Thị Nghĩa có 5 công nhân lao động, mỗi công nhân được trả 150 ngàn đồng/ngày công.
Hiện nay hương đã được sản xuất bằng máy, không còn phải lăn bằng tay như trước đây.
Nguyên liệu làm hương được xay nhuyễn từ rễ hương ở Quỳnh Thắng- Quỳnh Lưu, quế ở Yên Bái, hoa hồi và nụ đinh hương ở Sơn La, Thảo quả mua từ Yên Bái, Cam thảo các tỉnh phía bắc. Mía nguyên cây sát miếng phơi khô mua từ huyện Tân Kỳ- Nghệ An. Do nhiều nguyên liệu kết hợp nên hương Đô Lương được người tiêu dùng ưa chuộng bởi mùi thơm dịu ngọt, thoảng bay rất dễ chịu. Không gây độc hại trong không khí.
Mỗi búp hương (20 que) ở Đô Lương được xuất bán cho các đại lý với giá 4,5 ngàn đồng. Tháng cao điểm như cơ sở sản xuất hương Hoàng Long bán được 80 triệu đồng tiền hương.
Hiện nay trên địa bàn huyện Đô Lương có 3 cơ sở lớn, 50 cơ sở vừa và nhỏ sản xuất hương thơm thảo mộc. Hương thường được xuất bán ở huyện Đô Lương, Tân Kỳ, Thanh Chương, Hoàng Mai, Cửa Lò, Con Cuông…
Theo anh Hoàng Trần Long- Chủ một cơ sở sản xuất hương cho biết: Hương được bán chạy hàng từ tháng 7 âm lịch cho đến hết tháng 2 âm lịch hàng năm. Nghề làm hương Đô Lương đã góp một phần không nhỏ vào việc giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, nét đẹp kính thờ ông bà, tổ tiên và những người có công giúp dân, giúp nước.